Theo báo Dân Trí, đưa tin ngày 08/08/2020
Giá khẩu trang y tế liên tục sụt giảm khiến giới sản xuất điêu đứng, lỗ “chổng vó”. Để hòa vốn, nhiều công xưởng còn phải liên tục bán tháo, thanh lý thiết bị, máy móc.
Trước cơn sốt khẩu trang y tế trong đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, nhiều người đã rót tiền vào mở xưởng, đầu tư, mua dây chuyền, thiết bị để sản xuất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể “đổi đời”, bởi nhiều người ôm giấc mộng giàu sang hiện đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Để cứu nguy tình hình, một số nhà xưởng phải chấp nhận bán tháo, thanh lý máy móc làm khẩu trang để thu hồi vốn.
Các nhà xưởng đua nhau thanh lý thiết bị, máy móc làm khẩu trang
Đơn cử như chị Nga (Bắc Ninh) phải rao bán 1 dàn máy sản xuất khẩu trang tự động, bo viền trong với giá 750 triệu đồng với công suất từ 80 – 90 chiếc/phút. Theo chia sẻ, trước đó 3 tháng, cỗ máy này có giá khoảng 1,5 tỷ đồng và được coi là “con gà” đẻ trứng vàng của nhiều công xưởng.
“Chỉ có ai mở xưởng đợt đầu thì may ra còn có lãi chứ đợt dịch lần thứ hai thì ốm đòn. Bởi khẩu trang giờ đây không tìm được đầu ra, giá thì giảm do nguồn cung vượt quá cầu” – chị nói.
Giá khẩu trang liên tục sụt giảm, quay về mốc trước khi dịch Covid-19 bùng phát
Không những thế, việc đầu tư cho dây chuyền làm khẩu trang khá tốn kém, nếu hoàn thiện cũng phải mất 1 – 2 tỷ đồng. Thậm chí, nhiều nhà xưởng có quy mô lớn với công suất cho ra ngày 200 – 300 thùng khẩu trang thì số tiền bỏ ra phải lên tới 5 – 7 tỷ đồng.
“Lãi nhanh bằng việc làm khẩu trang là không có, trừ khi bán được giá cắt cổ như đợt dịch đầu. Còn như hiện tại, 1 thùng khẩu trang chỉ lãi cùng lắm 90.000 – 100.000 đồng, đấy là chưa trừ đi chi phí như nhân công, nguyên liệu, khấu hao máy móc” – chị Nga phân trần.
Nhiều xưởng sản xuất khẩu trang phải tạm thời đắp chiếu do không tìm được đầu ra
Đau xót hơn, nhiều nhà xưởng hiện phải đắp chiếu do không tìm được đầu ra, đành bán tháo cả máy móc, nguyên liệu trong xưởng để hòa vốn. Lý do là bởi, lúc đầu tư thì vật giá đắt đỏ, khi bán sản phẩm thì giá lại rẻ như cho. Như hiện nay, giá cho một thùng khẩu trang 50 hộp, 4 lớp kháng khuẩn chỉ còn 800.000 – 900.000 đồng/thùng, nghĩa là rẻ bằng 1/5 giá trước đây.
Khi cơn sốt khẩu trang lên cao trào, không chỉ máy móc mà nhiều nguyên liệu cũng tự nhiên đội giá. Ví dụ như vải không dệt, kháng khuẩn 2 – 3 tháng trước có thể lên tới 80 – 90 triệu/tấn nhưng hiện giờ giá chỉ còn 1/2. Nếu thời đó, công xưởng bán ra kịp thời thì có thể thu lãi, còn không thì chỉ có ôm nợ, khóc ròng.
Để hòa vốn, bù lỗ, giới làm khẩu trang phải liên tục rao bán các thiết bị, nguyên liệu sản xuất
Ngồi trên bờ vực phá sản, anh T.D.H (Hà Nội) mới thấy cái giá của việc chạy theo trào lưu. Trong đợt dịch Covid-19 lần 2, anh vay ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư 2 dàn máy làm khẩu trang bán tự động 1,2 tỷ đồng. Nhưng mua về chưa được bao lâu thì máy xảy ra sự cố hỏng phần hàn siêu âm, lỗi dập quai.
“Tính sơ sơ mỗi tháng, máy hỏng tới chục lần, mỗi lần, tôi bỏ ra 5 – 6 triệu đồng để sửa chữa. Sau khi tìm hiểu, không chỉ mỗi nhà tôi mà rất nhiều xưởng ngấm đòn vì máy móc trục trặc. Sau này, tôi phải thuê nguyên 1 thợ về sửa máy để tiết kiệm chi phí” – anh kể.
Anh H cho biết, ngoài việc phải chấp nhận mua nguyên liệu đắt đỏ từ trong đợt dịch, nhà anh phải chịu giá nhân công khá cao. Như tiền thuê thợ đóng gói 1 thùng khẩu trang gồm dập quai, xếp túi là 80.000 đồng.
Thế nên, anh H quyết định rao bán 1 dàn máy để bù lỗ với giá 350 đồng, nghĩa là rẻ hơn 1/2 giá gốc trước đây. Ngoài ra, anh còn xả hết 1 tấn vải không dệt, 500kg nẹp và chun với giá rẻ như cho.
Các máy sản xuất khẩu trang đã qua sử dụng ở Trung Quốc cũng được rao bán rầm rộ
Không chỉ là hàng trong nước, anh Quý (Hà Nội) còn rao bán cả máy làm khẩu trang đã qua sử dụng từ Trung Quốc. Theo quảng cáo, dàn máy tự động gồm 1 đầu ra phôi, 1 đầu dập quai có giá là 400 triệu đồng. “Máy mới chạy được 2 tháng nên khá mới, không lỗi lầm, xưởng thừa nên bán. So với với giá gốc là rẻ được 1/5, nếu mua 2 chiếc trở lên giá sẽ còn ưu đãi”.
Ngoài ra, anh Quý còn nhận thêm cả việc chạy làm giấy tờ khẩu trang xuất đi các nước EU để giúp các xưởng thanh lý hàng tồn. Với mức báo giá là từ 70 – 80 triệu đồng/bộ hồ sơ.
Xem bài chi tiết trên báo: Dân Trí
Thực trạng trên như một lời cảnh tỉnh cho những ai chạy theo trào lưu, việc đầu tư ồ ạt và bất chấp nguồn máy móc thiết bị dẫn đến những hệ lụy về sau, vừa “tiền mất tật mang” vừa sản xuất ra các sản phẩm kém chất lượng tung ra thị trường làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng lâu dài.
Đây là bài học cho những ai đầu tư vào ngành sản xuất khẩu trang nói riêng và thiết bị y tế bảo hộ cá nhân (PPE) nói chung. Chỉ khi doanh nghiệp thực sự xác định đầu tư kinh doanh lâu dài, bền vững vào ngành này thì mới có thể vượt qua những biến cố khi thị trường sốt cũng như lúc khủng hoảng thừa sản phẩm.
Các nhà sản xuất cần xác định khẩu trang là một mặt hàng thiết yếu về lâu dài trong tương lai, thói quen của người dân qua dịch bệnh sẽ được thay đổi dần dần, việc đeo khẩu trang sẽ trở nên phồ biến và quen thuộc với tất cả mọi người. Từ đấy những nhà sản xuất tham gia vào ngành này sẽ xác lập những mục tiêu, định hướng lâu dài của mình, phải thực sự nghiêm túc, đầu tư sản xuất bài bản, bền vững, cung cấp mặt hàng chất lượng cho nhu cầu của người tiêu dùng, không còn thực trạng “ăn xổi ở thì” chạy theo trào lưu để rồi phải nhận quả đắng như hiện tại.